Ngay từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã đánh một đòn mạnh vào thị trường bất động sản Việt Nam, nhiều phân khúc rơi vào cảnh “đóng băng” vì không có giao dịch.
Theo thống kê của Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, quý I/2020 so với thời điểm cuối năm 2019, tổng dư nợ toàn ngành tăng 160,1 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên dư nợ tín dụng về bất động sản chỉ tăng 4,596 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng của dư nợ tín dụng là 0,88% giảm 3,48% so với cuối năm 2019.
Nguyên nhân của việc dư nợ tín dụng bất động sản giảm chủ yếu là do quý I/2020 chính là khoảng thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp nhất, tình hình chung của thị trường bất động sản vô cùng trầm lắng so với cùng kỳ hàng năm.
Nhiều số liệu thống kê cho thấy sự sụt giảm của thị trường bất động sản trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động mạnh bởi dịch bệnh, các hoạt động sản xuất kinh doanh ngưng trệ. Doanh nghiệp gặp khó khăn, thị trường chững lại, nhiều nhà đầu tư cũng đứng yên, thận trọng nghe ngóng, chờ thời.
Các dự án bị lùi lịch ra hàng, các sàn giao dịch im ắng, nằm yên. Một thống kê cho thấy, có đến hàng ngàn sàn giao dịch tạm dừng giao dịch hoặc đóng cửa. Con số này đã cho thấy rõ nhất toàn cảnh thị trường giữa đại dịch.
Bước sang quý III/2020, dịch bệnh Covid-19 có dấu hiệu phát triển trở lại nhưng theo khảo sát số liệu từ các Sở Xây dựng, đợt dịch này có tác động cục bộ tại một số khu vực, đặc biệt là các tỉnh miền Trung và tạo ra tâm lý thận trọng, làm chậm lại đà phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản các tỉnh khu vực Miền Trung cũng như trên cả nước.
Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường BĐS trong năm 2020, mặc dù thị trường rơi vào cảnh trầm lắng, song giá nhà vẫn tăng cao.
Ông Doanh trích dẫn thống kê của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho thấy, chưa có xu hướng giảm giá nhà. Đơn cử, giá chung cư bình dân ở Hà Nội hiện cũng dao động từ 22 - 25 triệu đồng/m2.
Còn theo thống kê của Bộ Xây dựng, tại Hà Nội, quý III/2020, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,24% so với quý II/2020 (trong đó, đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 0,07%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,44%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 1,02%).
Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,03% so với quý II/2020. Những dự án có sản phẩm thuộc phân khúc bình dân thường nằm tại các vùng ven đang phát triển như Đông Anh, Gia Lâm, Hà Đông… tỷ lệ hấp thụ ở phân khúc này luôn duy trì ở mức rất cao, đạt khoảng 70%.
Tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,35% so với quý II/2020 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 0,16%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,72%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 0,85%).
Đối với nhà ở riêng lẻ, giá tăng khoảng 0,26% so với quý II/2020. Do khan hiếm nguồn hàng trong bối cảnh lượng cầu rất cao, dẫn đến giá căn hộ tại thành phố này tăng vọt và tỷ lệ hấp thụ luôn ở mức cao.
Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư phải tìm đến đất nền tại các huyện ven đô, tạo ra sự tăng giá mạnh đất đai tại một số huyện như: Bình Chánh, Gò Vấp, Củ Chi…
Giá nhà cao nguyên nhân chính xuất phát từ nguồn cung còn hạn chế. Không chỉ riêng năm 2020 mà vài năm trở lại đây, nguồn cung cũng đang có xu hướng chững lại ở một số phân khúc, nhất là nhà ở bình dân, nhà ở cho người thu nhập thấp.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐS nhìn nhận, đến thời điểm hiện tại, đâu đó trên thị trường đã nhìn thấy những tia sáng khởi sắc trở lại, sức nóng đang dần được bộc lộ khi nhiều chủ đầu tư lớn liên tục ra hàng trong quý IV/2020. Sau 9 tháng bị nén chặt bởi những khó khăn chung do dịch Covid-19, bước vào quý IV, nhiều chủ đầu tư bất động sản tại Hà Nội đồng loạt tăng sức bật, tung ra thị trường hàng loạt dự án mới.
Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, đà phục hồi của thị trường BĐS bắt đầu từ quý III và tăng tốc vào quý cuối của năm 2020.
Theo vị chuyên gia này, thị trường bất động sản chứng kiến sự lệch pha về tình hình thanh khoản và giá cả. Thanh khoản ở mức thấp, nhưng giá không giảm, thậm chí có phân khúc còn tăng nhẹ. Lý do chủ yếu là còn thiếu nguồn cung và dòng tiền còn đổ về những phân khúc này.
Một năm tái cấu trúc mạnh mẽ về cả quan hệ cung - cầu, về sản phẩm, về đầu tư công nghệ, mô thức hoạt động và chiến lược kinh doanh, do tâm lý, hành vi đầu tư, tiêu dùng và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp thay đổi khá mạnh trong và sau dịch Covid-19 cùng với các biến động về hội nhập, địa chính trị và biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo Dantri