Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, 19h ngày 9/11, tâm bão cách bờ biển Bình Định đến Ninh Thuận khoảng 180 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất 90 km/h, cấp 9, giật tăng ba cấp.
12 giờ tới, bão đi hướng Tây, vận tốc 15-20 km và khả năng mạnh thêm. Đến 7h ngày 10/11, tâm bão ngay trên bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp nhất 9, giật cấp 11.
Bão sau đó đi vào đất liền bốn tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và một vùng áp thấp. Đến 16h cùng ngày, tâm vùng áp thấp ở Tây Nguyên.
Các đài nước ngoài nhận định, bão Etau tăng cấp từ chiều nay đến sáng mai, sau đó giảm dần sức gió khi cách bờ khoảng 100 km. Đài Hải quân Mỹ dự báo, từ đầu chiều nay đến 1h sáng 10/11, bão duy trì sức mạnh 74 km/h, giật 93 km/h. Đến 13h ngày 11/10, tâm bão tiến gần Tây Nguyên, sức gió còn 65 km/h.
Đài Nhật Bản dự báo, 6h ngày 10/11, tâm bão cách vùng biển Phú Yên - Khánh Hòa hơn 80 km với sức gió 92 km/h, giật 130 km/h. Đến 16h cùng ngày, tâm bão ở tỉnh Đăk Lăk, sức gió còn 74 km/h.
Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận có mưa, gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 12, biển động rất mạnh, sóng biển cao 4-6 m. Đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9.
Từ nay đến ngày 12/11, các tỉnh từ Quảng Trị đến phía Bắc Khánh Hòa có mưa to với lượng mưa 200-400 mm, có nơi trên 450 mm; Quảng Bình, phía Nam Khánh Hòa và Tây Nguyên có lượng mưa 100-200 mm.
Khánh Hòa - Phú Yên, hai tỉnh được dự báo có khả năng là tâm bão đổ bộ, từ chiều 9/11 đã có mưa lớn. Trên bờ biển Nha Trang, các ghế phục vụ khách được dọn dẹp, nhiều biển cấm được dựng lên, tàu thuyền neo vào bờ. Nhiều người dân ra bờ biển xúc cát về chằng chống nhà cửa.
"Nhà tôi dưới chân núi, rất dễ sập nếu bão đổ bộ. Tôi rất lo lắng", anh Đào Văn Trí (30 tuổi, ở TP Nha Trang) nói khi cùng vợ lái xe tải chở 50 bao cát về dằn mái căn cấp bốn ở xã Phước Đồng, cách bãi biển chừng 5 km.
Anh Trí cùng vợ xúc cát bên bờ biển Nha Trang để về dằn mái nhà, ngày 9/11. Ảnh: Xuân Ngọc.
Trong khi đó, nghe tin bão vào, ông Cao Văn Thái (46 tuổi, thị xã Đông Hòa, Phú Yên) lo lắng cho 15.000 con tôm hùm giống nuôi tại Vũng Rô. Từ chiều qua, ông đã cùng người nhà thả thêm neo cho các lồng và buộc dây xung quanh. "Cố gắng làm để giảm thiệt hại, vì đó tài sản lớn của gia đình", ông Thái nói.
Đến chiều nay, Khánh Hòa và Phú Yên đã sơ tán gần 8.500 người tại các điểm xung yếu, thấp trũng có nguy cơ sạt lở. 1.500 du khách lưu trú trên đảo, ven biển đã yêu cầu chủ động phòng tránh bão, đảm bảo an toàn.
Gần 20.000 người đang làm việc trên tàu và các lồng bè được yêu cầu vào bờ. Những hộ trên lồng bè cố tình ở lại sẽ bị cưỡng chế. Khánh Hòa và Phú Yên là tỉnh ít chịu thiệt hại do bão, nhưng năm 2017, bão Damrey đã làm 46 người chết; hơn 3.200 nhà sập, trên 130.000 căn tốc mái; 1.300 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng...
Cũng nằm trong vùng ảnh hưởng của bão, Ninh Thuận và Bình Định chưa thống kê cụ thể, nhưng đã di dời dân ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, sạt lở. Chi cục Thủy sản Ninh Thuận đã kêu gọi 26.000 ngư dân trên biển tìm nơi trú tránh. Người dân trên 273 bè nuôi trồng thủy sản không được ở lại lồng bè.
Ông Hồ Đắc Chương, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết, vừa qua, bão số 9 - Molave khiến 6 tàu cá bị chìm, 26 ngư dân thị xã Hoài Nhơn mất tích (cứu được 3 người) nên tỉnh đặc biệt lưu ý việc liên lạc, hướng dẫn đường đi cho các tàu cá.
Etau là cơn bão thứ 12 vào Biển Đông trong năm nay. Trước đó, trong tháng 10, miền Trung hứng chịu bốn cơn bão và một áp thấp nhiệt đới, nhiều bằng tháng 10/1993, tháng được ghi nhận nhiều bão và áp thấp nhiệt đới nhất theo quan trắc của cơ quan khí tượng Việt Nam. Ba đợt lũ cùng 13 vụ lở núi trong tháng qua làm 159 người chết, 71 người khác đang mất tích.
Hai cơn bão gần nhất, số 10 và số 11, bị suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi đổ bộ vào miền Trung, nhưng gây mưa lớn, ngập nhiều tỉnh thành.
Theo VNexpress