Trước tình trạng sử dụng rượu bia của nam giới Việt Nam ngày càng nghiêm trọng (tỷ lệ 77%), dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia đã có quy định cấm bán các loại đồ uống này sau 22 hoặc 24h.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Công ty Du lịch Transviet, đồng tình cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ chất lượng rượu bia, áp dụng cấm trẻ vị thành niên mua rượu và sử dụng. Tuy nhiên, với đối tượng khác chỉ nên khuyến cáo về tác hại của rượu bia ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo ông Đạt, việc áp dụng cấm rượu bia đêm khuya sẽ ảnh hưởng đến thu hút khách du lịch, nhất là khách nước ngoài, vì nhiều du khách có thói quen đi ăn uống, vui chơi sau 22h. Nếu cấm bán rượu bia thì khách du lịch vào nhà hàng chỉ được uống trà đá, nước ngọt và như vậy nhiều vũ trường, quán ăn, bar, karaoke sẽ trở nên vắng vẻ.
"Hà Nội đã nới lỏng giờ giới nghiêm đến 2h sáng để phục vụ nhu cầu người dân, việc đưa ra quy định cấm bán rượu bia là ngược xu hướng đó", ông Đạt nhận xét và cho rằng quy định cấm như trên có thể sẽ buộc các cơ sở dịch vụ tìm cách "lách luật" để hoạt động.
Hà Nội đã nới lỏng giờ giới nghiêm cho các quán bar, nhà hàng đến 2h sáng. Ảnh: Giang Huy |
TS Nguyễn Xuân Thủy (chuyên gia giao thông) cho rằng, cấm bán rượu bia sau 22h hoặc 24h là bất hợp lý vì rượu bia là một loại thực phẩm mọi người đều có quyền được sử dụng.
Theo ông Thủy, ngành giao thông đã áp dụng quy định xử phạt nghiêm những người tham gia giao thông uống rượu bia rồi, nên không cần thiết đưa thêm quy định chồng chéo. Ngoài ra, việc xử phạt sẽ bất khả thi vì có thể nhà hàng, quán bar bán rượu bia cho khách từ trước 22h để khách sử dụng sau thời gian này.
TS Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, ông ủng hộ nỗ lực hướng đến văn hóa uống rượu bia hợp lý, văn minh, đảm bảo sức khỏe, giúp ngăn ngừa các tác hại tiêu cực.
Ông Hùng nói người uống rượu bia muộn thường uống nhiều, nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông ban đêm. Tuy nhiên, Ủy ban An toàn giao thông chưa có số liệu tỷ lệ tai nạn do uống rượu bia sau 24h là như thế nào. Nội dung liên quan kinh doanh rượu bia thuộc ngành công thương, vì vậy hai bộ Y tế và Công thương cần phối hợp với nhau, phân tích các mặt tích cực và tác động với xã hội để đưa ra đề xuất.
Người dân sử dụng rượu bia ở phố đêm Hà Nội. Ảnh: Giang Huy |
Đồng tình với việc xây dựng Luật phòng chống lạm dụng rượu bia, ông Lê Như Tiến (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa của Quốc hội) cho rằng các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh mẽ hơn để ngăn chặn hiện tượng uống rượu bia quá nhiều, gây tai nạn giao thông, bi kịch gia đình, nhiều người sau khi sử dụng rượu bia đã không kiểm soát được năng lực hành vi, trở thành tội phạm.
Với đề xuất cụ thể là cấm bán rượu bia sau 22h hoặc 24h, ông Lê Như Tiến cho rằng vẫn nên cho phép bán rượu bia tại một số địa chỉ nhất định dành cho khách du lịch, "còn cấm toàn diện thì phải cân nhắc, lấy ý kiến rộng rãi của các ban ngành khác".
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế Bộ Y tế, theo nghiên cứu trên thế giới, uống rượu bia 20-24h đêm có tác động đến sức khỏe con người rất lớn, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tiêu hóa, hô hấp trong khi đây là thời gian con người cần nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Thực tế cho thấy tỷ lệ bị tai nạn giao thông vào giờ này rất cao. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đứng thứ 2 của Đông Nam Á về sử dụng rượu bia (sau Thái Lan), đứng thứ 10 của châu Á, thứ 29 trên thế giới. Kinh tế phát triển, điều kiện sống phát triển nhưng không thể nhanh bằng tỷ lệ tăng số người sử dụng rượu bia. |
Đoàn Loan - vnexpress.net