Ngày 9/9, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cùng lãnh đạo tỉnh Hà Giang tới thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Đoàn công tác của Bộ Lao động cùng lãnh đạo tỉnh đã khảo sát thực địa, bàn về việc nâng cấp, mở rộng nghĩa trang cũng như tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ về đây.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh, Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Sơn dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ tại nghĩa trang Vị Xuyên. Ảnh: P.X. |
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang thông tin, thời gian tới tỉnh sẽ mở rộng nghĩa trang từ hơn 2 ha lên 10 ha với nhiều hạng mục, có thể đón hơn 4.000 liệt sĩ về an nghỉ. Đây là công trình lớn nhất trong số 10 nghĩa trang trên địa bàn, có 1.734 phần mộ liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Do diện tích có hạn, nghĩa trang Vị Xuyên đã hết mộ chờ, phải xin tỉnh cho xây thêm để đón liệt sĩ quy tập từ đầu năm.
Hiện Hà Giang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Đại tá Dương Hồng Vinh, Phó chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, cho biết hài cốt liệt sĩ đang nằm chủ yếu ở các thung khe, bìa rừng, hẻm núi với phạm vi khá rộng lên tới hơn 80.000 ha, địa hình phức tạp và còn quá nhiều bãi bom mìn, vật liệu nổ. Từ năm 2012 đến nay, các đội tìm kiếm quy tập được 41 bộ hài cốt, vẫn còn khoảng 2.000 hài cốt liệt sĩ chưa quy tập được.
"Với cách làm như hiện nay, mỗi năm chỉ sạch được khoảng 200 ha đất ô nhiễm bom, mìn, diện tích còn lại rất lớn, ước phải vài chục năm mới có thể hoàn thành", đại tá Vinh cho biết.
Đoàn công tác trao đổi về phương án tu bổ, mở rộng nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Ảnh: P.X. |
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết ủng hộ chủ trương của tỉnh trong việc tu bổ, tôn tạo nghĩa trang, đặc biệt là tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Ông đề nghị Hà Giang nên nghiên cứu, lập một đề án riêng, đẩy nhanh tiến độ rà phá bom mìn, vật liệu nổ để quy tập hài cốt nhanh. Càng để lâu thì việc tìm kiếm trở nên khó khăn, khiến người thân liệt sĩ chưa yên lòng.
"Đây là việc được Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động rất quan tâm. Tu bổ, nâng cấp nghĩa trang phải tính toán, thiết kế hài hòa, đảm bảo tính trang nghiêm, thuận tiện cho thân nhân, người dân, đồng đội tới thăm viếng, trở thành công trình giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ sau", ông Dung nói.
Trong chiến tranh biên giới phía Bắc, Hà Giang là nơi đương đầu sớm nhất và là địa phương thoát khỏi cuộc chiến muộn nhất. Để giữ vững biên cương, 9 sư đoàn chủ lực cùng nhiều trung đoàn, tiểu đoàn bộ đội Việt Nam trực tiếp tham chiến tại mặt trận Vị Xuyên. Hơn 4.000 cán bộ chiến sĩ hy sinh và hàng nghìn chiến sĩ bị thương.
Phương Hòa - vnexpress.net