|
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu |
Hầu hết bếp ăn tập thể khó kiểm soát nguồn gốc thực phẩm
Tại hội nghị đánh giá công tác an toàn thực phẩm (ATTP) 8 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2016 diễn ra ngày 8/9, TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, 8 tháng đầu năm nay, thành phố đã tổ chức 1.440 đoàn thanh, kiểm tra, tiến hành kiểm tra tại gần 80.000 lượt cơ sở, phát hiện hơn 12.000 cơ sở vi phạm ATTP, phạt tiền 4.100 cơ sở với số tiền phạt hơn 22 tỷ đồng, chuyển điều tra xử lý hình sự 3 vụ việc, tiêu hủy nhiều sản phẩm không đảm bảo ATTP.
Các đơn vị quản lý chất lượng thực phẩm của thành phố đã lấy 2.970 mẫu thực phẩm gửi xét nghiệm, phát hiện 107 mẫu không đạt về chỉ tiêu vi sinh vật, hóa học và theo hồ sơ cơ sở tự công bố. Xét nghiệm nhanh thực phẩm đạt 95%.
Ông Hiền cho biết thêm, tình hình vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo ATTP từ các tỉnh ngoài vào Hà Nội tuy giảm nhưng còn diễn biến phức tạp, việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rau, củ quả kinh doanh tại các chợ, các điểm bán lẻ gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, việc xử lý các vi phạm ở tuyến xã/phường/thị trấn còn chưa kiên quyết, chủ yếu vẫn là nhắc nhở. Bên cạnh đó, dù chưa có các vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng gây chết người song tình hình đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể vẫn tiềm ẩn nhiều nỗi lo.
Bổ sung thêm điều này, đại diện Sở NN & PTNT cho biết, qua kiểm tra, hầu như các bếp ăn tập thể từ khu công nghiệp cho đến các trường học vẫn có tình trạng các doanh nghiệp cung cấp suất ăn, thực phẩm cho các bếp ăn này mua nguồn thực phẩm từ bên ngoài chứ không nhập từ các hợp tác xã, cơ sở sản xuất an toàn vì giá cao hơn. Cũng vì họ mua từ nhiều nguồn bên ngoài nên rất khó kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thực phẩm.
Không có vùng cấm trong xử lý vi phạm về ATTP
Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửa nhấn mạnh, vấn đề ATTP rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe nhân dân, đến giống nòi nên cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt.
Trước thực trạng đảm bảo ATTP trên địa bàn thành phố còn nhiều khó khăn như phản ánh của các địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu yêu cầu, tới đây ở tuyến cơ sở, không chỉ 5 quận/ huyện, 10 xã/ phường đang thực hiện thí điểm mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP mà tất cả các quận/ huyện/ thị xã, xã/ phường/ thị trấn còn lại của thành phố cũng phải triển khai mô hình giống như vậy.
“Các xã/ phường dù chưa có cán bộ chuyên trách ATTP nhưng phải cử ra một cán bộ để phụ trách, chuyên trách về ATTP. Đặc biệt, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã/ phường, quận/ huyện nhất thiết phải đi kiểm tra, 1 tuần phải đi 1 lần, không thể ngồi đút chân gầm bàn chỉ đạo về ATTP được. Cùng đó, cần phối hợp chặt chẽ trong thanh kiểm tra ATTP, công khai trên đường dây nóng. Dứt khoát không có vùng cấm trong xử lý vi phạm về ATTP, kể cả phải xử lý hình sự. Mặt khác, thành phố cũng sẽ có cơ chế khen thưởng nếu đơn vị nào làm tốt” – Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu nêu rõ.
Đối với các bếp ăn tập thể, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu yêu cầu ngay sau khi tựu trường, tất cả các trường học đều phải mua rau, thực phẩm của các cơ sở được cấp chứng nhận ATTP.
“Phải tăng cường thanh kiểm tra, nếu phát hiện cơ sở nào mua thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn phải xử lý thật nghiêm, xử lý mạnh tay. Hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn trong trường mình” – Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh.
Theo infonet.vn