Gần trưa, giữa tiết trời oi ả sắp chuyển mưa, anh Lương Văn Hồng (34 tuổi, xã Quyết Thắng, Hữu Lũng, Lạng Sơn) vẫn bận rộn với công việc đồng áng của gia đình. Từ khi sinh ra anh đã chịu thiệt thòi, đôi chân bên cao bên thấp khiến việc di chuyển khó khăn. Ngày nhỏ, bạn bè trêu chọc anh cũng tủi thân nhưng không dám nói cho ai biết.
Anh Hồng vượt khó vươn lên. Ảnh: Hồng Vân |
Nhà có 8 anh chị em thuộc diện hộ nghèo, anh Hồng là con thứ 3, biết bố mẹ vất vả nên học hết THCS anh xin nghỉ học ở nhà làm ruộng. “Chân tôi không thẳng như người khác nhưng mọi việc cày bừa cấy hái tập dần thành quen. Nhà nghèo, đông con nên tôi cũng không buồn vì phải nghỉ học giữa chừng”, anh Hồng chia sẻ.
Ở nhà, ngày mùa thấy người ta đi cày anh cũng đi theo học lái máy cày, tuy không nhanh bằng người bình thường nhưng sau một thời gian anh cũng tự điều khiển được chiếc máy theo ý mình. Anh quan niệm, ông trời lấy đi cái này thì sẽ cho mình cái khác, đôi chân không bằng người khác nhưng chăm chỉ không ngại khổ thì sẽ làm được.
Năm 2002, anh nghe đài biết một số địa phương trồng giống măng tre Bát Độ thành công nên nảy ra ý tưởng trồng thử. Lần đầu tiên, bố anh đi chợ mua khoảng 30 gốc đem về trồng trên khu núi đá, do thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên chỉ có hơn 10 gốc sống và phát triển tốt. Thấy có triển vọng, anh xin gia đình quyết tâm đầu tư mở rộng diện tích cả trên núi đá và bãi cát.
Anh nhận nhiệm vụ chăm bón cho 2 khu vườn măng. Mỗi ngày 2 lần anh gánh từng thùng nước từ sông lên tưới cho hơn một mẫu măng tre và ra sức vun xới, tưới phân chuồng. “Nhà nông nhìn vào thóc lúa chỉ đủ ăn, mình mất tiền đầu tư cây trồng mới thì phải bỏ công chăm sóc, tìm hiểu thêm về giống cây đó qua đài, TV và thực tế, như vậy mới có kết quả tốt”, anh giải thích.
Sau gần 3 năm, lứa măng đầu tiên cho thu hoạch, người mua khen ngon, giá cả ổn định và một thời gian sau thương lái tự tìm đến đặt hàng.
Mặc dù khuyết tật nhưng anh Hồng vẫn làm chỗ dựa kinh tế cho cả gia đình. Ảnh: Hồng Vân |
Có những ngày một mình anh Hồng thu hoạch 5-6 bao măng trên núi. Anh lên xuống vác bao măng nặng hơn 40 kg, bước chân trên đường bằng đã khó, đi đường núi vác nặng còn khó gấp bội. Nhưng anh Hồng không dám kêu mệt vì sợ bố mẹ lo lắng. Đôi chân những ngày trái gió giở trời lại sưng đau. Mặc kệ đau đớn, sớm hôm sau anh vẫn làm bạn với máy cày, cuốc, xẻng.
Người dân trong vùng thấy nhà anh trồng măng có thu nhập cao cũng tới học hỏi kinh nghiệm, anh đều tận tình giúp đỡ về kỹ thuật. Anh Hồng cũng mạnh dạn vay vốn từ chương trình của Đoàn thanh niên để mở rộng chăn nuôi, nông nghiệp.
5 người em của anh Hồng lần lượt học xong THPT và học tiếp lên các trường chuyên nghiệp. Mỗi năm vườn măng đem lại cho anh khoảng 50 triệu đồng, số tiền này anh dồn cho các em học hành và đầu tư quay vòng.
Không chỉ trông chờ vào thu nhập của vườn măng, anh Hồng mua lợn, gia cầm lên chăn thả trên núi. Mỗi khi rảnh rỗi anh nấu rượu lấy bỗng chăn lợn và bán cho bà con trong xóm. Từ một gia đình hộ nghèo, nhờ chăm chỉ làm ăn, nhà anh đã thoát nghèo có thu nhập ổn định.
Ông Lương Văn Hùng (59 tuổi, bố anh Hồng) tự hào nói: “Hồng là lao động chính trong gia đình, nếu không có nó thì vợ chồng tôi không biết xoay sở như thế nào để nuôi đám con, 5 đứa em được học hành công lớn nhờ Hồng”.
Chủ tịch xã Quyết Thắng cho biết, xã thuộc vùng 3 kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, anh Hồng là thanh niên khuyết tật nhưng có ý chí vươn lên làm giàu với giống măng tre Bát Độ. Anh cũng tích cực tham gia trong những hoạt động của địa phương và được mọi người yêu mến.
Hồng Vân - vnexpress.net